Gà bị tiêu chảy phân lẫn máu và nhầy giống triệu chứng và màu phân của bệnh Cầu trùng gà. Gà bị bệnh chậm chạp, giảm ăn, khô chân, sã cánh không thể đứng dậy được. Gà bị bại huyết. Gà chết nhiều và thường chết đột ngột. Tỷ lệ chết cao 10 – 20%, dùng các kháng sinh đặc trị tiêu chảy thông thường bệnh không giảm. Các lứa tuổi gà đều có thể bị.
Nguyên nhân
Tác nhân gây bệnh viêm ruột hoại tử là vi khuẩn Clostridium perfringens. Vi khuẩn không di động, hình thành giáp mô trong mô bào, là trực khuẩn to, thẳng, hai đầu tròn, đứng riêng lẻ hoặc thành đôi, có kích thước 0,6 – 0,8 x 2 – 4 µm, bắt màu gram dương (Quinn và cs, 1999). Bào tử vi khuẩn là loại chịu nhiệt, có thể sống trong nước sôi trong vòng 2 giờ. Vi khuẩn sinh nội bào tử, kỵ khí thường được tìm thấy trong đất, bụi, phân, thức ăn chăn nuôi, chất thải gia cầm và trong chất nền ruột.
Cơ chế sinh bệnh
Vi khuẩn Clostridium Perfingens ký sinh bình thường trong đường ruột mà không gây bệnh, chúng tham gia vào quá trình lên men, phân hủy thức ăn giúp gà tăng trưởng tốt. Tuy nhiên, khi gà bị nhiễm bệnh khác hoặc gặp phải các yếu tố bất lợi như rối loạn tiêu hóa, quá đói, quá khát, thay đổi đột ngột nguồn thức ăn, nước uống, chuồng trại ẩm ướt… làm cho nhu động ruột thay đổi và vi khuẩn có điều kiện sinh sản nhanh, phá vỡ thế cân bằng vi sinh có lợi cho chúng. Từ đó, cấu trúc niêm mạc ruột bị ảnh hưởng tạo điều kiện để vi khuẩn bám vào lông mao niêm mạc ruột gây viêm xuất huyết hoại tử ruột. Chúng không dừng ở đây mà tiếp tục vào đường huyết gây nên hiện tượng nhiễm trùng máu. Trong môi trường chảy máu chúng không thể tồn tại được lâu, xác chết của chúng được phân hủy và giải phóng ra nội độc tố làm cho gà chết nhanh hơn, bệnh xảy ra cấp tính hơn.
Triệu chứng
Bệnh xảy ra với thể cấp tính và thể mãn tính. Ở thể cấp tính tỷ lệ mắc bệnh và tỷ lệ chết cao. Bệnh có tính dịch địa phương và thường xảy ra ở đàn gà thịt 4 – 8 tuần tuổi. Gà bệnh giảm ăn, chậm chạp, ỉa phân khô màu đen, đôi khi lẫn máu và nhầy gần giống triệu chứng bệnh cầu trùng. Gà hay nằm sấp gục đầu, xã cánh, không thể tự đứng và không thể đi lại được. Tỷ lệ chết trong khoảng 5 – 25%. Trong thể mãn tính triệu chứng lâm sàng không điển hình. Gà chậm lớn, giảm cân, trong khi vẫn ăn uống bình thường và bị chết do gầy.
Bệnh tích
Xuất huyết tràn lan các mô lỏng lẻo ở dưới da, ruột. Niêm mạc đường ruột có nhiều đám đỏ tấy, xuất huyết thành vệt, thành mảng, viêm loét chỗ nông, chỗ sâu, có thể vỡ gây viêm dính phúc mạc. Thành ruột dày lên và xung huyết, đầy dịch nhầy, phủ màng giả màu nâu vàng, có sự tróc vảy. Diều đầy nước. Ruột non phồng lên, có màu hơi đỏ.Có nhiều trường hợp khi mổ ra thấy xuất hiện các vùng viêm hoại tử tạo vết loét hoặc đám loét phủ một lớp màu vàng ngà. Gan sưng, xung huyết, xuất huyết điểm, có các tổn thương màu xám bạc hoặc vàng nhạt… Thận và lách sưng to biến màu, khó quan sát được các điểm hoại tử. Túi mật giãn, thành túi mật có nhiều ổ hoại tử tràn lan. Tổn thương ở đường tiêu hóa có khác nhau. Ðặc biệt ở phần ruột già, chất chứa trong đường tiêu hóa có màu đậm, dính chặt và thối. Bệnh viêm loét kéo dài có thể thủng ruột, phân tràn ra ngoài gây viêm dính phúc mạc. Chất bựa màu xanh hoặc nâu phủ trên niêm nạc ruột.
Chẩn đoán
Bệnh rất dễ chẩn đoán trên cơ sở dịch tễ học lâm sàng và giải phẫu bệnh lý học. Mổ khám thấy nhiều ổ hoại tử đặc trưng mà không thể thấy ở trong các bệnh khác, bệnh tích tập trung ở đường ruột: Viêm xuất huyết hoại tử ruột và viêm hoại tử gan… Bệnh xảy ra rất đột ngột, có thể gắn liền với bệnh tiền phát hoặc với các yếu tố stress. Diễn biến lác đác lẻ tẻ, nhanh, thâm tím vùng đầu, co cứng và chết. Cần chẩn đoán với bệnh thương hàn gà, cầu trùng ruột non của gà. Trong bệnh thương hàn, gà mọi lứa tuổi đều bị với triệu chứng tiêu chảy lẫn bọt khí, gà đẻ bị viêm buồng trứng nên đẻ trứng không có vỏ vôi, trứng méo mó, sần sùi hoặc buồng trứng dị dạng như chùm quả lắc. Ðặc điểm dễ phân biệt là gà khi bị bệnh cầu trùng, ruột non gà cũng bị sưng và bệnh hay xảy ra ở gà mái đẻ, gà bệnh có thể vẫn đi lại được. Trong khi viêm ruột hoại tử chủ yếu xảy ra ở gà giò với biểu hiện gà bệnh lười đi lại, hay nằm, không thể tự đứng dậy được.
Phòng bệnh
– Cần có sự kết hợp giữa việc quản lý vệ sinh chuồng trại tốt, sử dụng vaccine và biện pháp can thiệp trong khẩu phần ăn, đến một mức độ nào đó có thể thay thế cả thuốc kháng sinh giúp duy trì năng suất và kiểm soát bệnh viêm ruột hoại tử. Vệ sinh môi trường nuôi sạch sẽ, thoáng mát về mùa hè, kín về mùa đông, tránh gió lùa, điều chỉnh nhiệt độ và độ ẩm thích hợp. Tăng cường sức đề kháng cho gà bằng cách thường xuyên bổ sung các vitamin, axit amin, khoáng… cần thiết phù hợp. Sử dụng khẩu phần chứa hàm lượng protein thấp hoặc khẩu phần có nguồn protein dễ tiêu hóa kết hợp với các enzyme, men vi sinh, chế phẩm sinh học sẽ làm giảm nguy cơ vi khuẩn phát triển trong đường ruột. Ngoài ra, việc sử dụng các chất phụ gia để kiểm soát bệnh cầu trùng là một công cụ hữu ích để làm giảm tỷ lệ viêm ruột hoại tử. Không nên cho gà ăn những thức ăn có kích thước hạt khác có độ đồng đều không cao, thức ăn bị nhiễm nấm mốc và sản sinh độc tố. Ðặc biệt, hạn chế thay đổi khẩu phần ăn và phương thức cho ăn đột ngột. Khi nuôi phải tuân thủ quy trình an toàn sinh học, diệt cầu trùng khi 3 – 5 ngày tuổi. Hạn chế tối đa các tác động gây stress cho gà, thời điểm nắng nóng cần có biện pháp chống nóng.- Dùng Clos BMD Premix trộn phòng cho toàn đàn ăn định kỳ với những trại hay bị bệnh Viêm ruột hoại tử ( liều lượng 100Gr/ 500 kg thức ăn )Thuốc có tá dược và chất siêu bám dính nên giúp thuốc phân phối đồng đều cho toàn đàn, đem lại hiệu quả vượt trội so với các sản phẩm khác