Bệnh Lao Ở Trâu, Bò
Bệnh lao ở trâu bò là một trong những loại bệnh truyền nhiễm rất nguy hiểm (có thể lây lan cho cả con người) thường gặp ở trâu bò nuôi lấy sữa. Khi trâu bò mắc bệnh sẽ rất khó chữa trị nên bà con cần phải quan tâm đến vấn đề phòng bệnh để không gây thiệt hại tới kinh tế của gia đình mình.
Nguyên nhân gây bệnh
Bệnh lao ở trâu bò là loại bệnh truyền nhiễm mãn tính do vi khuẩn lao có tên khoa học Mycobacterium Tubercula gây ra.
Vi khuẩn chủ yếu gây bệnh trên trâu bò nhưng cũng có nhiều trường hợp có thể lây lan sang cả con người (nhất là với trẻ em), bệnh còn lây qua những con gia súc, vật nuôi khác như dê, heo, cừu, mèo…
Phương thức lây truyền bệnh
Trong tự nhiên bệnh lao phổi có các con đường lây truyền như sau:
- Đường hô hấp: Qua mũi, họng và phổi, mầm bệnh có sẵn trong không khí, gia súc đang khỏe mạnh khi hít phải sẽ mắc bệnh, đây chính là con đường lây bệnh nguy hiểm và chủ yếu nhất hiện nay.
- Đường tiêu hóa: Qua thức ăn và nước uống.
- Đường da và niêm mạc: Qua phương thức trực tiếp hoặc gián tiếp. Ngoài các con đường trên bệnh lao phổi còn có thể lây truyền trực tiếp từ bò mẹ qua nhau thai, từ bò mẹ lây cho nghé con qua sữa hoặc lây qua đường phối giống.
Triệu chứng của bệnh
Thời gian nung bệnh ở trâu bò trung bình khoảng 1 tháng. Bệnh có nhiều nhóm bệnh phân biệt rõ ràng như sau:
- Nhóm lao phổi: Trâu bò khi mắc bệnh sẽ ho dữ dội theo từng cơn, da bị khô ráp, sút cân nhanh chóng, toàn bộ lông trên cơ thể dựng đứng. Thời gian sau bị rối loạn hô hấp, ho có đờm, thở hắt nhiều, niêm mạc mũi có thể bị xuất huyết…
- Nhóm lao hạch: Trâu bò khi mắc bệnh thường thì hạch cũng bị lao dẫn đến các dấu hiệu hạch cương cứng, không di động được, khi bà con sờ vào hạch sẽ cảm thấy lồi lõm, cắt hạch ra sẽ thấy hiện tượng bã đậu, các hạch dưới hàm, vai, hạch vú, hạch trước vai đều bị sưng…
- Nhóm lao vú: Chủ yếu xảy ra ở những con gia súc cái lấy sữa, đặc biệt ở bò sữa năng suất cao, vú sưng, núm vú bị biến dạng, hạch vú sưng to ghồ ghề, sản lượng sữa giảm.
- Nhóm lao đường tiêu hóa: Ở nhóm này bệnh thường ít gặp, thường gặp các ổ lao ở ruột có thể ở gan, gia súc bị tiêu chảy thời gian dài, hết bị tiêu chảy lại bị táo bón, bò gầy hẳn đi, rối loạn tiêu hóa, có những trường hợp đi kèm triệu chứng chướng hơi dạ cỏ, niêm mạc đường tiêu hóa bị phá hủy…
Cách phòng bệnh
Bà con phòng bệnh cho bò bằng cách tiêm vắc-xin B.C.G, tiêm vào thời điểm 15 ngày tuổi. Đây là vắc-xin phòng bệnh hiệu quả nhưng hiện nay văc- xin này ít được dùng tới vì nó làm trở ngại việc chuẩn đoán bệnh lao.
Biện pháp phòng bệnh tốt nhất là bà con phải thường xuyên vệ sinh chăm sóc, tăng cường nuôi dưỡng để nâng cao thể trạng và sức đề kháng của đàn bò với vi-rút gây bệnh.
Mật độ nuôi trong đàn nên điều chỉnh hợp lý, không nên nuôi với mật độ quá nhiều con trong một chuồng nuôi.
Đối với những con gia súc mới chuẩn bị cho nhập đàn thì bà con phải nhốt riêng và trong thời gian 15 ngày cần tiến hành kiểm tra xét nghiệm phản ứng Tuberculin, nếu dương tính thì cần phải loại thải ra khỏi đàn, âm tính thì mới cho nhập đàn.
Đàn gia súc khi mắc bệnh phải cách ly và phải được giết chậm nhất trong vòng 1 tháng sau đó. Sau khi giết phải tiền hành tiêu độc, sát trùng chuồng trại bằng 1 trong các sản phẩm thuốc NOVACIDE hoặc NOVASEPT hoặc NOVA – MC.A30 hoặc NOVADINE.
Thường xuyên làm vệ sinh chuồng trại, tiêu độc, khử trùng, quét dọn hàng ngày, định kỳ dùng các loại thuốc sát trùng sau: Vimekon liều lượng 100g/20 lít nước, phun xung quanh chuồng trại; Vime – Iodine liều lượng 15ml/4 lít nước, phun sương trực tiếp trong chuồng nuôi.
Tiến hành chuẩn đoán bệnh định kỳ tại các cơ sở chăn nuôi để phát hiện bệnh sớm.
Cách điều trị bệnh
Bệnh lao phổi ở trâu bò hiện nay có thể điều trị bằng kháng sinh kết hợp với bồi dưỡng. Trên thực tế việc điều trị bệnh rất tốn kém, mất rất nhiều thời gian mà gia súc hồi phục lại khá chậm. Mặt khác khi điều trị bằng kháng sinh trong thời gian dài sẽ sinh ra các vi khuẩn kháng thuốc và vi khuẩn bệnh lao còn có thể lây lan sang cả con người. Do đó khi phát hiện gia súc bị bệnh lao bà con cần phải kiên quyết loại thải ra khỏi đàn để tránh lây bệnh sang các vật nuôi khỏe mạnh khác.