Home

Bệnh và điều trị

Bệnh CCRD Ở Gà – Phòng & Điều Trị

BỆNH CRD TRÊN GÀ (HEN GÀ) – CÁCH PHÁT HIỆN SỚM VÀ PHÒNG BỆNH HIỆU QUẢ

Bệnh hô hấp mãn tính CRD ở gà là bệnh rất phổ biến ở gia cầm. Gà có hiện tượng khó thở, thở khò khè (giống với triệu chứng của người bị hen nên gọi là bệnh hen gà). Bệnh CRD trên gà tuy không quá nghiêm trọng nhưng lại làm giảm sức đề kháng của vật nuôi, tạo điều kiện cho các vi khuẩn cơ hội tấn công gây bệnh kế phát.

* Nguyên nhân gây bệnh

CRD là tên viết tắt tiếng Anh của Chronic Respiratory Disease do vi khuẩn Mycoplasma gallisepticum gây ra. Loại vi khuẩn này tồn tại trong cơ thể và gây bệnh ở gà khi thời tiết thay đổi đột ngột, môi trường ẩm ướt, nhiều khí độc hay vật nuôi có sức đề kháng kém,… Bệnh bùng phát mạnh mẽ vào dịp đông xuân – thời điểm mà độ ẩm không khí tăng cao.

Tỉ lệ tử vong do bệnh CRD không cao, nhưng việc kiểm soát CRD là quan trọng. Bởi nó tạo điều kiện cho vi sinh vật gây bệnh khác phát triển và gây bệnh trên gia cầm. Đặc biệt thường xuyên kết hợp với E.coli và các virus gây bệnh trên đường hô hấp khác. Bệnh làm giảm năng suất chăn nuôi, tăng chi phí điều trị, ảnh hưởng trực tiếp đến hiệu quả kinh tế.

* Đường lây truyền bệnh

Bệnh CRD thường xuất hiện trên các loài gia cầm như gà, vịt, ngan, ngỗng, chim,… Có 3 con đường chính lây bệnh:

– Bệnh lây truyền dọc từ gà bố mẹ sang gà con qua trứng.

– Gà mắc bệnh thải mầm bệnh ra ngoài môi lây nhiễm cho gà khỏe trong cùng đàn hoặc trong cùng chuồng nuôi nhốt.

– Bệnh lây truyền qua dụng cụ chăn nuôi, công nhân chăm sóc, túi thức ăn,…

Môi trường ẩm, nhiều NH3, H2S, khí độc, bụi từ phân chất độn chuồng sẽ làm tăng nguy cơ mắc bệnh. Bệnh thường ghép với bệnh viêm thanh khí quản truyền nhiễm, bệnh viêm phế quản truyền nhiễm, gumboro, …Gà mắc bệnh tỷ lệ chết thấp nhưng gà chậm lớn, giảm khối lượng. Gà đẻ mắc bệnh sản lượng trứng giảm từ 10-40%.

* Gà có biểu hiện gì khi mắc bệnh CRD?

Giai đoạn đầu:

– Gà vẩy mỏ, sưng mắt, mắt nhắm, thỉnh thoảng trong đàn sẽ có tiếng “toóc” đặc trưng. Tiếng kêu này xuất hiện nhiều hơn vào buổi tối.

Giai đoạn tiếp theo:

– Gà bị viêm xoang mũi, viêm kết mạc nên gà khó thở, mắt nhắm nghiền, giảm ăn, giảm đẻ, giảm khối lượng.

– Gà bị hen khẹc

– Trong cùng đàn, gà trống sẽ biểu hiện triệu chứng nặng hơn gà mái.

– Đối với gà đẻ, tỷ lệ đẻ sẽ giảm, tỷ lệ ấp nở thấp do phôi bị nghẹt đường hô hấp.

– Chất lượng trứng giảm: xỉn màu, vỏ xù xì, đôi khi méo mó.

 Giai đoạn bệnh kết hợp với E.coli – CRD: 

– Đối với gà thịt: Giảm ăn, chảy nước mũi, khó thở trầm trọng hơn, viêm kết mạc mắt, chảy nước mắt, sưng đầu, viêm túi khí nặng. Gà ủ rũ và chết sau khi mắc bệnh 3 – 4 ngày.

– Đối với gà đẻ và gà trưởng thành: Tình trạng hen khó thở tăng, gà bị tiêu chảy và có hiện tượng kéo màng ở tim, gan, màng treo ruột. Gà trở nên gầy ốm, gà đẻ giảm sản lượng trứng, tỷ lệ ấp nở kém, trứng ấp nở cho ra gà con yếu ớt.

* Bệnh tích

Khi mổ khám gà mắc CRD tập trung chủ yếu ở đường hô hấp, sẽ thấy:

– Đường hô hấp trên có hiện tượng viêm tích dịch, xoang mũi tích dịch nhầy, đặc.

– Thanh quản xuất huyết, khí quản, phế quản xuất huyết có bọt khí.

– Trường hợp bệnh nặng sẽ thấy các cục casein màu vàng nhạt trong lòng ống khí quản, phế quản. Phổi có hiện tượng viêm, khi cắt ngang phổi sẽ thấy trong phế nang có chứa dịch, túi khí mờ đục, có bọt khí.

Trường hợp bệnh lâu ngày ghép thêm E.coli: 

– Màng phổi, màng bao tim và màng gan bị phủ lớp fibrin dày có màu trắng ngà.

– Phù nề các khớp, xuất tiết dịch viêm ở khớp, thoái hóa bề mặt của khớp.

* Cách phòng chống bệnh CRD ở gà

Khi đàn gà mắc bệnh CRD thì thiệt hại là khá cao với tỉ lệ chết 10%, giảm tăng trọng 20%, giảm đẻ 20%.. Vì thế, bà con cần chú trọng và làm tốt khâu phòng bệnh để đảm bảo năng suất vật nuôi cao.

Phòng bệnh CRD bằng cách thực hiện các biện pháp an toàn  sinh học, nâng cao sức đề kháng và thường xuyên vệ sinh chuồng trại sạch sẽ. Điều kiện chuồng trại là phải ấm vào mùa đông, thoáng mát vào mùa hè, mật độ phù hợp với tuổi kích thước của vật nuôi. Sử dụng men rắc chuồng cùng với chất độn chuồng sạch để hạn chế khí độc thải, vi khuẩn phát sinh từ sự phân huỷ của phân gà.

Bà con nên xem xét cách ly đàn gà mới với đàn gà đang nuôi, cách ly gà bệnh với gà khoẻ. Ngoài ra, sử dụng vaccine là phương pháp phòng bệnh tốn ít chi phí và đạt hiệu quả nhất. Có chế độ dinh dưỡng hợp lý cho gà đối với từng giai đoạn phát triển chú ý cung cấp bổ sung đầy đủ các loại vitamin, các chất điện giải nhằm tăng cường sức đề kháng của đàn gà.

Trên đàn gà giống, thường xuyên tiến hành kiểm tra máu để loại thải các gà dương tính với CRD. Chỉ mua gia cầm từ những cơ sở giống tốt, đảm bảo từ đàn bố mẹ không bị bệnh.

Đối với việc phòng bệnh bằng vaccine: Trên thị trường hiện nay có rất nhiều loại vaccine phòng bệnh CRD trên gà cho hiệu quả tốt. Tuy nhiên đối với các đàn gà đã bị CRD cần lưu ý và cân nhắc trước khi tiêm do có thể sẽ làm gà phát bệnh trở lại ngay sau khi tiêm.

– Đối với gà thịt nuôi dài ngày phòng một liều duy nhất giai đoạn 4 – 5 tuần tuổi.

– Đối với gà đẻ có nhiều loại vaccine khác nhau thời gian tiêm khác nhau nhưng đặc điểm chung là không tiêm khi gà nhỏ hơn 4 tuần tuổi.

Tùy thuộc từng vaccine sẽ có cách sử dụng (tiêm, uống, nhỏ mắt,…) khác nhau cũng như thời gian nhắc lại khác nhau. Mỗi loại vaccine nhà sản xuất đều khuyến cáo chi tiết cách sử dụng, độ tuổi gà cần sử dụng.

* Xử lý – điều trị bệnh CRD trên gà

Muốn đưa ra phác đồ điều trị phù hợp, cần chẩn đoán chính xác gà bị mắc kế phát, bội nhiễm hay không.

Trường hợp mắc bệnh CRD ghép với Gumboro, Newcastle cần điều trị bệnh Gumboro, Newcastle trước khi điều trị bệnh CRD.

Trường hợp mắc bệnh CRD trên gà cần xử lý:

– Kiểm tra, loại bỏ các yếu tố gây bệnh cho gà như chất độn chuồng bẩn, nguồn nước, thức ăn không đảm bảo.

– Hạ sốt, long đờm cho gà và thuốc có thành phần như Vitamin C, Bromhexin,… Cho gà uống nước tự do, giảm mật độ nuôi.

– Sử dụng kháng sinh Doxycyclin, Tylosin để điều trị bệnh nhưng không dùng cho gà đẻ vì có thể giảm sản lượng trứng. Hoặc sử dụng thuốc trị bệnh CRD ở gà có thành phần Tilmicosin phosphate điều trị chữa hen cho gà./.

✅ Trong quá trình dùng và sử dụng sản phẩm, có khó khăn hay phiền lòng, xin đừng ngại hãy inbox hoặc gọi hotline liên hệ với Fanpage Green Farm – Thuốc Thú Y nhé! Green Farm luôn cám ơn và trân trọng từng góp ý của khách hàng.

Ngoài ra để biết thêm thông tin chi tiết về các sản phẩm hãy truy cập vào trang sản phẩm của chúng tôi tại đây để có thể mua ngay cho mình những sản phẩm hữu ích trong chăn nuôi của bạn nhé!

Không chỉ vậy các bạn có thể truy cập và theo dõi chúng tôi để có thể được thông báo ngay khi có các chương trình ưu đãi hấp dẫn và nhận hỗ trợ giải đáp thắc mắc 24/7 đến từ Green Farm của chúng tôi!

Cảm ơn các bạn đã ghé chân tới cửa hàng của chúng tôi! Mong những thông tin trên sẽ hữu ích với bạn.

Bệnh Cúm H9 Trên Gà

1. Nguyên nhân bệnh Bệnh cúm gia cầm là một bệnh truyền...

Bệnh SHS Trên Gà

Trong các bệnh ở gà thịt, chắc chắn người chăn nuôi sẽ...

Bệnh Coryza Trên Gà

Bệnh coryza trên gà là một bệnh hô hấp cấp tính của gà....

Bệnh ILT Trên Gà - Phòng & Điều Trị

Viêm thanh khí quản truyền nhiễm (ILT) là bệnh truyền nhiễm...

Bệnh Ký Sinh Trùng Đường Máu Ở Gà

1. Phân bố bệnh Bệnh có ở tất cả các nơi trên thế giới...

Bệnh Nấm Phổi Ở Gà

Khí hậu nóng ẩm là điều kiện thuận lợi cho nấm phát...

Hội Chứng Giảm Đẻ Trên Gà

Hội chứng giảm đẻ ở gà (EDS: Egg Drop Syndrome) Hội...

Cầu Trùng Ở Gà - Đã Có Green Farm Lo!

Bảo vệ và nâng cao sức khoẻ hoàn toàn cho đàn gà trước...

Bệnh Tụ Huyết Trùng Ở Gà - Triệu Chứng & Cách Điều Trị ?

Cùng Green Farm khám phá một số nguyên nhân phổ biến gây...

Bệnh Gumboo Ở Gà

Nguyên nhân: Virus thuộc họ Birnaviridae (thuộc...